Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Sự thiển cận của triết học Marx so với triết học Trung Hoa

Quan điểm Marx cho rằng, xã hội luôn phát triển theo chiều xoắn ốc, nghĩa là vừa lặp lại nhưng ở một mức độ cao hơn. Điều này là một sai lầm lớn nếu nhìn nhận ở khía cạnh triết học, có nghĩa là ở góc độ tổng quan nhất.

Phát triển xoắn ốc tức là quan niệm thừa nhận có đi xuống, nhưng về tổng thể là luôn đi lên theo thời gian. Nếu đặt lại vị trí thế kỉ 19 của Marx, thì khoa học tự nhiên còn chưa phát triển, nên thế giới quan của ông bị hạn chế rất nhiều. Hãy lấy trình độ thời đại của Marx và suy xét, sẽ thấy rằng, nếu xã hội có xu hướng đi lên, thì tại sao xã hội hiện tại lại chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định? Điều này liên quan đến vấn đề nguồn gốc của thế giới. Với quan điểm của Marx, thì có lẽ Trái Đất là một khối cầu vô thủy vô chung trong đó xã hội loài người sinh sống và phát triển.

Vậy nếu thế giới là không có khởi đầu, thì nó phải trải qua thời gian vô cùng lớn. Nếu thế giới trải qua một thời gian vô cùng lớn, vậy thì xã hội hiện tại khi đó phải vô cùng phát triển và đã đạt đến xã hội cộng sản như Marx mơ ước. Điều này trên thực tế không đúng. Nếu Trái Đất là không có khởi đầu, thì các nền văn minh khi xưa ở đâu? Nếu Trái Đất là không có khởi đầu, vậy thì loài người phải đạt đến trình độ tối cao từ trong quá khứ rồi, điều đó cho thấy thế giới không phải là luôn luôn phát triển xoắn ốc. Như vậy quan điểm của Marx đã tự mâu thuẫn với thế giới quan thời đại của ông, mà chính Marx cũng không nhận ra điều này.

Với hiểu biết của thời đại Marx, chỉ có thể giải thích rằng, xã hội không phải luôn phát triển, mà còn có suy vong, và chỉ có như vậy, xã hội mới có thể tồn tại ở một mức độ hữu hạn trong thời gian vô hạn. Giải thích thứ hai là thế giới phải có điểm khởi đầu, và cho đến hiện nay, chúng ta biết rằng thế giới, tức là Trái Đất của chúng ta có điểm khởi đầu, được hình thành cách đây hàng tỉ năm. Tuy nhiên hiểu biết này là một hiểu biết hiện đại, không thể bào chữa cho sự mâu thuẫn của Marx.

Như vậy chỉ cần một câu hỏi đơn giản về thời gian cũng bộc lộ sự phi lý của triết học Marx, so với khoa học hiện đại còn một khoảng cách xa. Trong khi đó triết học Trung Hoa từ thời cổ đại đã đưa ra lý thuyết âm dương, nghĩa là sự ổn định của hai mặt đối lập, hết âm thịnh dương suy rồi dương thịnh âm suy, âm rồi lại đến dương, hết phát triển rồi đến suy tàn, hết suy tàn rồi lại phát triển, đó là quy luật biến đổi của cả vũ trụ chứ không thể có một xu hướng một chiều đi lên mãi được. Trong khi vũ trụ hiện đại được quan niệm xuất hiện từ Big Bang, thì lý thuyết âm dương đã ở một mức độ cao hơn, và chắc chắn vũ trụ cũng phải có chu kỳ sinh diệt theo thuyết âm dương. Đây là quan niệm duy nhất có thể giải thích hợp lý sự tồn tại của cả vũ trụ trong thời gian.

Điều đó cho thấy triết học cổ đại của Trung Quốc đã vượt qua những học giả, triết gia phương Tây từ cả ngàn năm. Chỉ đáng tiếc là Marx không được đối thoại với những nhà hiền giả đó, nếu không có lẽ ông đã phải cúi đầu thán phục văn minh Trung Quốc, mà không viết ra những sai lầm ấu trĩ như vậy. Cũng đáng tiếc cho nền văn minh Trung Hoa đã không có những người thừa kế xứng đáng trong những thời khắc trọng đại của lịch sử, để lại những vết nhơ khó có thể tẩy rửa theo thời gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét