Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Karl Marx và giá trị thặng dư

Có thể nói, chủ nghĩa Marx đã góp phần xây dựng nên hai cường quốc lớn là Liên Xô và Trung Quốc. Mặc dù Marx không hoàn toàn đúng về mặt khoa học, nhưng chủ nghĩa cộng sản cũng đã góp phần rất lớn vào việc thay đổi bộ mặt thế giới, đó là một sự thật không thể chối cãi được. Nước Nga đi lên từ một quốc gia nghèo nàn lạc hậu, trở thành một siêu cường điều khiển một nửa thế giới, Trung Quốc từ một quốc gia nông nghiệp phong kiến, đi lên thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Điều đó cho thấy lý thuyết không quan trọng bằng chính trị thực tiễn.

Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng Marx đã phạm sai lầm một cách rất ngây ngô, đưa ra một kiểu lý thuyết giả khoa học. Cốt lõi học thuyết của Marx cho rằng, trong quá trình lao động tạo ra của cải, người lao động đã bỏ sức lao động và sử dụng tư bản tích lũy để tạo ra sản phẩm mới có giá trị cao hơn sức lao động và tư bản đầu vào. Giá trị chênh lệch được gọi là giá trị thặng dư (một khái niệm kiểu như giá trị gia tăng). Marx cho rằng giá trị thặng dư (GTTD) do sức lao động tạo ra bởi vì tư bản (vốn, công cụ lao động, đối tượng của sức lao động) thì nó không thể tự tạo ra giá trị mới. Như vậy nhà tư bản không làm gì chỉ dựa vào sở hữu tư bản để bóc lột người lao động. Và người lao động do đó cần phải lật đổ nhà tư bản để xây dựng xã hội lao động (xã hội cộng sản).

Cái nhìn của Marx mang tính chất cơ khí và vô học. Để có giá trị thặng dư cần có cả lao động và tích lũy tư bản, nhưng Marx lại cho rằng chỉ có lao động mới là nguyên nhân của giá trị thặng dư. Đó là một cái nhìn phiến diện, đối với Marx, 1 + 1 = 2, tư bản + sức lao động = sản phẩm thì tất cả các yếu tố đầu vào vẫn giữ nguyên, nên 1 + 1 = 2.

Marx đã sai. Đối với kinh tế thì 1 + 1 = 3. Khi có đủ các yếu tố đầu vào thì tự khắc sẽ tạo ra giá trị mới. Hãy lấy một ví dụ, một người có trâu đực, một người có trâu cái, như vậy nếu nuôi trâu, nó sẽ đẻ ra con, 1 + 1 = 3. Trâu đực được ví với tư bản tích lũy, trâu cái ví với lao động, trâu con ví như giá trị thặng dư. Marx cho rằng chỉ có trâu cái mới tạo ra GTTD, còn trâu đực không tạo ra giá trị mới. Ví dụ này tuy đơn giản nhưng chỉ ra khá rõ sai lầm của Marx.

Chúng ta chỉ có thể nói rằng, nếu có đủ trâu đực và trâu cái thì sẽ có trâu con, chứ chúng ta không thể nói trâu con là do trâu cái tạo ra 99%, còn trâu đực chỉ đóng góp 1%. Bởi vì nếu thiếu bất kì yếu tố nào thì trâu con cũng sẽ không ra đời, nó cần cả cha cũng như mẹ, cả hai đều là 100%. Cũng vậy, khi có đủ sự kết hợp giữa tư bản và lao động thì sẽ tạo ra giá trị mới, nếu thiếu bất kì yếu tố nào đều không tạo ra sản phẩm. Việc cho rằng sản phẩm chỉ do lao động tạo ra là cái nhìn mang tính cơ khí, đơn giản và vô học.

Để hiểu rõ hơn điều này, chúng ta hãy thử ví dụ một cỗ máy lớn, nhưng khi thiếu một con ốc hoặc một bánh răng nhỏ, cỗ máy ngừng hoạt động. Sự hoạt động của cả cỗ máy cần đầy đủ tất cả yếu tố, một con ốc hoặc bánh răng nhỏ cũng có giá trị tương đương động cơ hoặc các cơ cấu chuyền động đắt tiền, bởi vì cỗ máy không thể hoạt động thiếu nó. Chúng ta có thể nói con ốc có giá trị rất thấp so với động cơ, đó là khi chúng ta nhìn vào giá trị để tạo ra con ốc hay động cơ riêng lẻ, còn để kết hợp ra cả cỗ máy vận hành trơn chu, tất cả chúng có giá trị ngang nhau.

Cũng vậy, hoạt động kinh tế chính là một cỗ máy tạo ra sản phẩm mới. Để tạo ra sản phẩm, cần có đầy đủ các yếu tố đầu vào, đó là tư bản tích lũy (dù chỉ là một con ốc) và sức lao động. Chúng cần lẫn nhau, lao động cần tư bản và tư bản cần lao động, thiếu một trong hai yếu tố đều không thể tạo ra sản phẩm. GTTD chính là đứa con chung của cả tư bản và lao động. Không thể nói ai tạo ra bao nhiêu % sản phẩm, bởi vì thiếu bất kì yếu tố nào, sản phẩm cũng không được tạo ra.

Vậy tại sao lại có ăn chia phần trăm cho mỗi bên, lương cho công nhân và tiền lãi cho ông chủ? Marx không hiểu rằng đây là một vấn đề hoàn toàn khác hẳn chẳng liên quan gì đến việc tạo ra sản phẩm. Việc ăn chia nói chung dựa theo cung cầu cũng như khả năng đàm phán của mỗi bên. Chẳng hạn nhà tư bản cần lao động, nhưng tư bản thì hiếm, trong khi lao động lại thừa thãi, không có bà mẹ này thì kiếm bà mẹ khác. Vì nguồn cung lao động quá thừa thãi so với nguồn cung về tư bản, cho nên khả năng đàm phán cũng như mặc cả của người lao động rất thấp và họ sẵn sàng phải chấp nhận tỉ lệ ăn chia thấp, tức là đồng lương thấp, bị bóc lột và đối xử tệ.

Ngược lại, đối với các vấn đề cần lao động hiếm, trong khi tư bản thừa thãi, thì khả năng đàm phán của người lao động tăng lên rất cao, và nhà tư bản phải chấp nhận tỉ lệ ăn chia thấp. Ví dụ đó là trong các doanh nghiệp công nghệ, khi các người sáng lập dựa vào lao động trí óc có thể gây dựng nên những gia tài khổng lồ. Như vậy, mặc dù GTTD là đứa con chung của cả tư bản và sức lao động, nhưng chính khả năng đàm phán sẽ quyết định mỗi bên được hưởng bao nhiêu từ đứa con chung đó. Và đó là một vấn đề chẳng hề liên quan đến khả năng tạo ra sản phẩm. Khi một cô gái nghèo lấy chồng giàu có quyền thế rồi sinh con cho chồng, nếu gia đình nhà chồng không ưa cô gái, họ có thể giữ lại đứa con và đuổi người mẹ đi, người mẹ làm được gì?

Vậy bài học rút ra là, không chỉ là bạn làm ra bao nhiêu, mà còn là bạn có khả năng để đòi được bao nhiêu.

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Thị trường chứng khoán và nền kinh tế

Thị trường chứng khoán (TTCK) Thượng Hải lúc lên cao hơn 5000 điểm, giảm xuống chỉ số hiện nay ~3200, mất 40% giá trị, một lượng tiền khổng lồ đã ra khỏi thị trường. Điều này cộng với các chỉ số của nền kinh tế Trung Quốc không được tốt lắm có lẽ là mối quan tâm hàng đầu hiện nay.

Thực ra thì điều hành một nền kinh tế quy mô lớn như Trung Quốc sẽ khó khăn, tất nhiên có những lúc thuận lợi thì có những lúc gian nan. Đó là bản chất thường xuyên của xã hội, với những người dày dạn kinh nghiệm cũng khó tránh khỏi. Kinh doanh thì cũng có lúc lỗ lúc lãi, đánh trận lúc thắng lúc thua, thi đấu thể thao thì cũng phải lúc được lúc mất,.. miễn sao lúc khó khăn bảo toàn được thế lực để dành lấy thành công về lâu dài thì vẫn tốt.

Lãnh đạo lớn tất nhiên sẽ gặp trở ngại lớn, Mao chủ tịch khi xưa từng phải rút lui hàng ngàn dặm, Đặng Tiểu Bình cải cách đất nước trong hoàn cảnh thiếu thốn mà không hề nao núng, so với hiện nay thì thời xưa có lẽ còn khó khăn hơn nhiều. Nếu không gặp gian nan thì sao tỏ rõ được sự anh hùng?

Lấy một ví dụ nhỏ, lúc Trung Quốc còn khó khăn, chủ tịch Đặng Tiểu Bình từng tiến hành chiến dịch quân sự tấn công Việt Nam khi hai nước còn có một số mâu thuẫn. Mặc dù có một số mục tiêu quân sự chưa đạt được nhưng sau chiến dịch quân sự, những người ưu tiên cải cách quân đội đã có được ưu thế trước những người bảo thủ, nhờ vậy quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã tiến hành hiện đại hóa để trở thành một lực lượng lớn mạnh hàng đầu trên thế giới. Như vậy có thể nói, thất bại tạm thời có thể tạo tiền đề rất tốt cho những thay đổi và phát triển vững chắc về lâu dài, nếu tầm nhìn và ý chí dài hạn luôn được giữ vững. Thậm chí sự tăng trưởng chậm lại tạm thời của TTCK và nền kinh tế Trung Quốc có thể được sử dụng để chỉ rõ những yếu kém của nền kinh tế, những sai lầm của mô hình tăng trưởng nóng trước đây, chính là sự củng cố vững chắc cho sự đúng đắn của cải cách, như vậy là trời thử lòng người để giao việc lớn.

Rõ ràng TTCK không phải là nơi để ai cũng có thể tham gia, khi chỉ số thị trường Thượng Hải giảm từ 5000 xuống 3000 điểm. Đó là một bài học cho người dân và cho cả giới lãnh đạo. Được ăn lỗ chịu là quy luật thị trường, nhưng khi số người thua thiệt quá nhiều có thể ảnh hưởng đến ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô. Khi đó có thể sẽ cần cứu số đông hơn là những người giàu, bởi vì người giàu mất từ 100 triệu còn 60 triệu họ vẫn sống được, nhưng đám đông mỗi người mất từ 100 ngàn xuống còn 60 ngàn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Trong trường hợp đó có thể dùng các biện pháp để sàng lọc thị trường để hỗ trợ, ví dụ các biện pháp ưu đãi các tài khoản có giá trị nhỏ, bởi vì làm chính trị cần lấy số đông dân chúng làm gốc. Một hai người giàu thua lỗ không sao nhưng một trăm người trung lưu thì ảnh hưởng lên xã hội sẽ lớn hơn nhiều.

Thị trường chứng khoán có mối liên hệ trực tiếp đến nền kinh tế, có thể nói là thước đo của nền kinh tế. TTCK là nơi mua bán chứng khoán của các công ty và tổ chức trong nền kinh tế, giúp các dòng vốn chảy vào nơi cần đến nó. TTCK giúp các công ty tiếp cận với vốn, việc mua bán cổ phần các công ty cũng tạo động lực cho các công ty hoạt động tốt để có thể được bán lại với giá cao. Điều đó giúp nền kinh tế phát triển.

Như vậy, nếu nền kinh tế hoạt động tốt, các công ty có lãi và mở rộng, thì giá trị các công ty trên thị trường sẽ tăng lên, và giá trị TTCK sẽ tăng. Ngược lại khi nền kinh tế không tốt, các công ty lãi thấp, thì giá trị thị trường cũng vì vậy mà tăng trưởng ít hơn. Về điều này, thì bản chất của nền kinh tế là yếu tố chủ đạo, là gốc rễ của vấn đề. TTCK có thể huy động vốn, chứ nó không thể thay đổi các đặc điểm lâu đời và căn bản của nền kinh tế như là trình độ lao động, mức độ sáng tạo hay cách thức tạo ra giá trị gia tăng của các doanh nghiệp... Như vậy hỗ trợ TTCK chỉ là giải pháp ngắn hặn, còn về lâu dài thì bản chất của nền kinh tế mới là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Để làm ra tiền, người ta phải tạo ra một giá trị có ích nào đó, ví dụ tạo ra một cái xe mới, một tác phẩm mới, hoặc một nghiên cứu, hoặc bỏ công sức quản lý... những điều này tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Chỉ khi nền kinh tế tạo ra giá trị thật, thì tổng giá trị toàn bộ nền kinh tế mới tăng lên. Còn nếu một nền kinh tế chỉ toàn sáp nhập, mua đi bán lại, ép giá mua rẻ rồi đẩy giá bán lấy lời, thì đơn giản có nghĩa là tiền chỉ chuyển từ tay người này sang tay người khác, còn tổng giá trị của nền kinh tế không thay đổi. Tất nhiên các hoạt động mua bán sáp nhập vẫn có ích nếu cái đích cuối cùng của nó giúp tạo ra giá trị gia tăng. Tuy nhiên vẫn luôn tồn tại các hoạt động mua đi bán lại thuần túy mà không hề có ích đối với nền kinh tế, nó chỉ giúp một bộ phận dân số làm giàu hợp pháp.

Đối với mọi loại thị trường, các hoạt động mua bán không chỉ dựa trên giá trị hiện tại của hàng hóa, mà còn dựa trên giá trị kì vọng, hay là niềm tin về giá trị trong tương lai. Kì vọng có thể dựa trên giá trị hiện tại, ví dụ một công ty đang phát triển thì niềm tin về giá trị của công ty trong tương lai sẽ tăng lên. Tuy nhiên kì vọng có thể không liên quan đến giá trị của công ty, mà chỉ đơn giản khi người tham gia tin rằng sẽ có người mua lại với giá cao hơn và tham gia để kiếm lời. Khi đó giá trị kì vọng có thể vượt quá giá trị đáng có của sản phẩm. Khi đó có thể cả người mua và người bán đều biết rõ điều đó, nhưng vẫn tham gia với hi vọng họ không phải người cuối cùng để chịu thiệt hại. Nhưng xét ở quy mô toàn bộ thị trường, chắc chắn sẽ có người phải chịu thiệt hại. Điều này chính là mặt trái của thị trường, nó sẽ tạo ra một vòng xoay hút tiền vào mà không hề tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, mà TTCK Trung Quốc vừa trải qua.

Đối với các bên tham gia thị trường, thì việc kiếm tiền dựa vào ăn chênh lệch là hoàn toàn bình thường, nhưng đối với người quản lý thị trường, hễ có bất kì sản phẩm nào trong thị trường bị đẩy lên giá trị ảo thì điều đó chắc chắn sẽ tạo ra thiệt hại cho người tham gia. Việc đẩy giá trị này luôn luôn có thể tiến hành hợp pháp, vì nó là tính chất cơ bản của mua và bán. Cứ mua lại giá cao nhiều lần sẽ tạo ra một hi vọng về giá cao hơn trong tương lai, nhất là khi lượng tiền tham gia thị trường quá lớn. Tuy nhiên, giá trị ảo nếu không đóng góp cho nền kinh tế, thì sớm hay muộn sẽ phải dừng lại, và khi đó người tham gia cuối cùng sẽ phải gánh toàn bộ thua lỗ cho những người đi trước. Điều này có thể thấy được qua ví dụ mô hình kinh doanh đa cấp (multi level marketing) khi người đi trước ăn phần trăm và làm giàu nhờ người tham gia sau, nhưng toàn bộ chuỗi đa cấp hầu như không tạo ra giá trị mới, mà chỉ lấy tiền của người này chuyển qua người khác. Khi giá trị kì vọng vượt quá giá trị thực tế đáng có, chắc chắn thị trường phải có thiệt hại, và khi đó thị trường sẽ mất đi tính chất win - win solution, vốn là tính chất cần thiết bậc nhất của nó. Đây là một điều tệ hại nếu nhìn từ góc độ quản lý thị trường.

Vậy cái gốc của TTCK vẫn là các công ty tạo ra giá trị trong nền kinh tế. Nếu các công ty này không có khả năng hấp thụ được lượng tiền lưu chuyển trong TTCK thì thị trường chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại. Và giải pháp về lâu dài cho nền kinh tế vẫn luôn là thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế để mở rộng quy mô từ sản xuất hàng giá rẻ lên các loại hàng hóa mang nhiều giá trị gia tăng hơn, hoặc tìm cách để chiếm lĩnh các thị trường nhiều giá trị hơn.