Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Karl Marx và giá trị thặng dư

Có thể nói, chủ nghĩa Marx đã góp phần xây dựng nên hai cường quốc lớn là Liên Xô và Trung Quốc. Mặc dù Marx không hoàn toàn đúng về mặt khoa học, nhưng chủ nghĩa cộng sản cũng đã góp phần rất lớn vào việc thay đổi bộ mặt thế giới, đó là một sự thật không thể chối cãi được. Nước Nga đi lên từ một quốc gia nghèo nàn lạc hậu, trở thành một siêu cường điều khiển một nửa thế giới, Trung Quốc từ một quốc gia nông nghiệp phong kiến, đi lên thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Điều đó cho thấy lý thuyết không quan trọng bằng chính trị thực tiễn.

Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng Marx đã phạm sai lầm một cách rất ngây ngô, đưa ra một kiểu lý thuyết giả khoa học. Cốt lõi học thuyết của Marx cho rằng, trong quá trình lao động tạo ra của cải, người lao động đã bỏ sức lao động và sử dụng tư bản tích lũy để tạo ra sản phẩm mới có giá trị cao hơn sức lao động và tư bản đầu vào. Giá trị chênh lệch được gọi là giá trị thặng dư (một khái niệm kiểu như giá trị gia tăng). Marx cho rằng giá trị thặng dư (GTTD) do sức lao động tạo ra bởi vì tư bản (vốn, công cụ lao động, đối tượng của sức lao động) thì nó không thể tự tạo ra giá trị mới. Như vậy nhà tư bản không làm gì chỉ dựa vào sở hữu tư bản để bóc lột người lao động. Và người lao động do đó cần phải lật đổ nhà tư bản để xây dựng xã hội lao động (xã hội cộng sản).

Cái nhìn của Marx mang tính chất cơ khí và vô học. Để có giá trị thặng dư cần có cả lao động và tích lũy tư bản, nhưng Marx lại cho rằng chỉ có lao động mới là nguyên nhân của giá trị thặng dư. Đó là một cái nhìn phiến diện, đối với Marx, 1 + 1 = 2, tư bản + sức lao động = sản phẩm thì tất cả các yếu tố đầu vào vẫn giữ nguyên, nên 1 + 1 = 2.

Marx đã sai. Đối với kinh tế thì 1 + 1 = 3. Khi có đủ các yếu tố đầu vào thì tự khắc sẽ tạo ra giá trị mới. Hãy lấy một ví dụ, một người có trâu đực, một người có trâu cái, như vậy nếu nuôi trâu, nó sẽ đẻ ra con, 1 + 1 = 3. Trâu đực được ví với tư bản tích lũy, trâu cái ví với lao động, trâu con ví như giá trị thặng dư. Marx cho rằng chỉ có trâu cái mới tạo ra GTTD, còn trâu đực không tạo ra giá trị mới. Ví dụ này tuy đơn giản nhưng chỉ ra khá rõ sai lầm của Marx.

Chúng ta chỉ có thể nói rằng, nếu có đủ trâu đực và trâu cái thì sẽ có trâu con, chứ chúng ta không thể nói trâu con là do trâu cái tạo ra 99%, còn trâu đực chỉ đóng góp 1%. Bởi vì nếu thiếu bất kì yếu tố nào thì trâu con cũng sẽ không ra đời, nó cần cả cha cũng như mẹ, cả hai đều là 100%. Cũng vậy, khi có đủ sự kết hợp giữa tư bản và lao động thì sẽ tạo ra giá trị mới, nếu thiếu bất kì yếu tố nào đều không tạo ra sản phẩm. Việc cho rằng sản phẩm chỉ do lao động tạo ra là cái nhìn mang tính cơ khí, đơn giản và vô học.

Để hiểu rõ hơn điều này, chúng ta hãy thử ví dụ một cỗ máy lớn, nhưng khi thiếu một con ốc hoặc một bánh răng nhỏ, cỗ máy ngừng hoạt động. Sự hoạt động của cả cỗ máy cần đầy đủ tất cả yếu tố, một con ốc hoặc bánh răng nhỏ cũng có giá trị tương đương động cơ hoặc các cơ cấu chuyền động đắt tiền, bởi vì cỗ máy không thể hoạt động thiếu nó. Chúng ta có thể nói con ốc có giá trị rất thấp so với động cơ, đó là khi chúng ta nhìn vào giá trị để tạo ra con ốc hay động cơ riêng lẻ, còn để kết hợp ra cả cỗ máy vận hành trơn chu, tất cả chúng có giá trị ngang nhau.

Cũng vậy, hoạt động kinh tế chính là một cỗ máy tạo ra sản phẩm mới. Để tạo ra sản phẩm, cần có đầy đủ các yếu tố đầu vào, đó là tư bản tích lũy (dù chỉ là một con ốc) và sức lao động. Chúng cần lẫn nhau, lao động cần tư bản và tư bản cần lao động, thiếu một trong hai yếu tố đều không thể tạo ra sản phẩm. GTTD chính là đứa con chung của cả tư bản và lao động. Không thể nói ai tạo ra bao nhiêu % sản phẩm, bởi vì thiếu bất kì yếu tố nào, sản phẩm cũng không được tạo ra.

Vậy tại sao lại có ăn chia phần trăm cho mỗi bên, lương cho công nhân và tiền lãi cho ông chủ? Marx không hiểu rằng đây là một vấn đề hoàn toàn khác hẳn chẳng liên quan gì đến việc tạo ra sản phẩm. Việc ăn chia nói chung dựa theo cung cầu cũng như khả năng đàm phán của mỗi bên. Chẳng hạn nhà tư bản cần lao động, nhưng tư bản thì hiếm, trong khi lao động lại thừa thãi, không có bà mẹ này thì kiếm bà mẹ khác. Vì nguồn cung lao động quá thừa thãi so với nguồn cung về tư bản, cho nên khả năng đàm phán cũng như mặc cả của người lao động rất thấp và họ sẵn sàng phải chấp nhận tỉ lệ ăn chia thấp, tức là đồng lương thấp, bị bóc lột và đối xử tệ.

Ngược lại, đối với các vấn đề cần lao động hiếm, trong khi tư bản thừa thãi, thì khả năng đàm phán của người lao động tăng lên rất cao, và nhà tư bản phải chấp nhận tỉ lệ ăn chia thấp. Ví dụ đó là trong các doanh nghiệp công nghệ, khi các người sáng lập dựa vào lao động trí óc có thể gây dựng nên những gia tài khổng lồ. Như vậy, mặc dù GTTD là đứa con chung của cả tư bản và sức lao động, nhưng chính khả năng đàm phán sẽ quyết định mỗi bên được hưởng bao nhiêu từ đứa con chung đó. Và đó là một vấn đề chẳng hề liên quan đến khả năng tạo ra sản phẩm. Khi một cô gái nghèo lấy chồng giàu có quyền thế rồi sinh con cho chồng, nếu gia đình nhà chồng không ưa cô gái, họ có thể giữ lại đứa con và đuổi người mẹ đi, người mẹ làm được gì?

Vậy bài học rút ra là, không chỉ là bạn làm ra bao nhiêu, mà còn là bạn có khả năng để đòi được bao nhiêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét