Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Thị trường chứng khoán và nền kinh tế

Thị trường chứng khoán (TTCK) Thượng Hải lúc lên cao hơn 5000 điểm, giảm xuống chỉ số hiện nay ~3200, mất 40% giá trị, một lượng tiền khổng lồ đã ra khỏi thị trường. Điều này cộng với các chỉ số của nền kinh tế Trung Quốc không được tốt lắm có lẽ là mối quan tâm hàng đầu hiện nay.

Thực ra thì điều hành một nền kinh tế quy mô lớn như Trung Quốc sẽ khó khăn, tất nhiên có những lúc thuận lợi thì có những lúc gian nan. Đó là bản chất thường xuyên của xã hội, với những người dày dạn kinh nghiệm cũng khó tránh khỏi. Kinh doanh thì cũng có lúc lỗ lúc lãi, đánh trận lúc thắng lúc thua, thi đấu thể thao thì cũng phải lúc được lúc mất,.. miễn sao lúc khó khăn bảo toàn được thế lực để dành lấy thành công về lâu dài thì vẫn tốt.

Lãnh đạo lớn tất nhiên sẽ gặp trở ngại lớn, Mao chủ tịch khi xưa từng phải rút lui hàng ngàn dặm, Đặng Tiểu Bình cải cách đất nước trong hoàn cảnh thiếu thốn mà không hề nao núng, so với hiện nay thì thời xưa có lẽ còn khó khăn hơn nhiều. Nếu không gặp gian nan thì sao tỏ rõ được sự anh hùng?

Lấy một ví dụ nhỏ, lúc Trung Quốc còn khó khăn, chủ tịch Đặng Tiểu Bình từng tiến hành chiến dịch quân sự tấn công Việt Nam khi hai nước còn có một số mâu thuẫn. Mặc dù có một số mục tiêu quân sự chưa đạt được nhưng sau chiến dịch quân sự, những người ưu tiên cải cách quân đội đã có được ưu thế trước những người bảo thủ, nhờ vậy quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã tiến hành hiện đại hóa để trở thành một lực lượng lớn mạnh hàng đầu trên thế giới. Như vậy có thể nói, thất bại tạm thời có thể tạo tiền đề rất tốt cho những thay đổi và phát triển vững chắc về lâu dài, nếu tầm nhìn và ý chí dài hạn luôn được giữ vững. Thậm chí sự tăng trưởng chậm lại tạm thời của TTCK và nền kinh tế Trung Quốc có thể được sử dụng để chỉ rõ những yếu kém của nền kinh tế, những sai lầm của mô hình tăng trưởng nóng trước đây, chính là sự củng cố vững chắc cho sự đúng đắn của cải cách, như vậy là trời thử lòng người để giao việc lớn.

Rõ ràng TTCK không phải là nơi để ai cũng có thể tham gia, khi chỉ số thị trường Thượng Hải giảm từ 5000 xuống 3000 điểm. Đó là một bài học cho người dân và cho cả giới lãnh đạo. Được ăn lỗ chịu là quy luật thị trường, nhưng khi số người thua thiệt quá nhiều có thể ảnh hưởng đến ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô. Khi đó có thể sẽ cần cứu số đông hơn là những người giàu, bởi vì người giàu mất từ 100 triệu còn 60 triệu họ vẫn sống được, nhưng đám đông mỗi người mất từ 100 ngàn xuống còn 60 ngàn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Trong trường hợp đó có thể dùng các biện pháp để sàng lọc thị trường để hỗ trợ, ví dụ các biện pháp ưu đãi các tài khoản có giá trị nhỏ, bởi vì làm chính trị cần lấy số đông dân chúng làm gốc. Một hai người giàu thua lỗ không sao nhưng một trăm người trung lưu thì ảnh hưởng lên xã hội sẽ lớn hơn nhiều.

Thị trường chứng khoán có mối liên hệ trực tiếp đến nền kinh tế, có thể nói là thước đo của nền kinh tế. TTCK là nơi mua bán chứng khoán của các công ty và tổ chức trong nền kinh tế, giúp các dòng vốn chảy vào nơi cần đến nó. TTCK giúp các công ty tiếp cận với vốn, việc mua bán cổ phần các công ty cũng tạo động lực cho các công ty hoạt động tốt để có thể được bán lại với giá cao. Điều đó giúp nền kinh tế phát triển.

Như vậy, nếu nền kinh tế hoạt động tốt, các công ty có lãi và mở rộng, thì giá trị các công ty trên thị trường sẽ tăng lên, và giá trị TTCK sẽ tăng. Ngược lại khi nền kinh tế không tốt, các công ty lãi thấp, thì giá trị thị trường cũng vì vậy mà tăng trưởng ít hơn. Về điều này, thì bản chất của nền kinh tế là yếu tố chủ đạo, là gốc rễ của vấn đề. TTCK có thể huy động vốn, chứ nó không thể thay đổi các đặc điểm lâu đời và căn bản của nền kinh tế như là trình độ lao động, mức độ sáng tạo hay cách thức tạo ra giá trị gia tăng của các doanh nghiệp... Như vậy hỗ trợ TTCK chỉ là giải pháp ngắn hặn, còn về lâu dài thì bản chất của nền kinh tế mới là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Để làm ra tiền, người ta phải tạo ra một giá trị có ích nào đó, ví dụ tạo ra một cái xe mới, một tác phẩm mới, hoặc một nghiên cứu, hoặc bỏ công sức quản lý... những điều này tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Chỉ khi nền kinh tế tạo ra giá trị thật, thì tổng giá trị toàn bộ nền kinh tế mới tăng lên. Còn nếu một nền kinh tế chỉ toàn sáp nhập, mua đi bán lại, ép giá mua rẻ rồi đẩy giá bán lấy lời, thì đơn giản có nghĩa là tiền chỉ chuyển từ tay người này sang tay người khác, còn tổng giá trị của nền kinh tế không thay đổi. Tất nhiên các hoạt động mua bán sáp nhập vẫn có ích nếu cái đích cuối cùng của nó giúp tạo ra giá trị gia tăng. Tuy nhiên vẫn luôn tồn tại các hoạt động mua đi bán lại thuần túy mà không hề có ích đối với nền kinh tế, nó chỉ giúp một bộ phận dân số làm giàu hợp pháp.

Đối với mọi loại thị trường, các hoạt động mua bán không chỉ dựa trên giá trị hiện tại của hàng hóa, mà còn dựa trên giá trị kì vọng, hay là niềm tin về giá trị trong tương lai. Kì vọng có thể dựa trên giá trị hiện tại, ví dụ một công ty đang phát triển thì niềm tin về giá trị của công ty trong tương lai sẽ tăng lên. Tuy nhiên kì vọng có thể không liên quan đến giá trị của công ty, mà chỉ đơn giản khi người tham gia tin rằng sẽ có người mua lại với giá cao hơn và tham gia để kiếm lời. Khi đó giá trị kì vọng có thể vượt quá giá trị đáng có của sản phẩm. Khi đó có thể cả người mua và người bán đều biết rõ điều đó, nhưng vẫn tham gia với hi vọng họ không phải người cuối cùng để chịu thiệt hại. Nhưng xét ở quy mô toàn bộ thị trường, chắc chắn sẽ có người phải chịu thiệt hại. Điều này chính là mặt trái của thị trường, nó sẽ tạo ra một vòng xoay hút tiền vào mà không hề tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, mà TTCK Trung Quốc vừa trải qua.

Đối với các bên tham gia thị trường, thì việc kiếm tiền dựa vào ăn chênh lệch là hoàn toàn bình thường, nhưng đối với người quản lý thị trường, hễ có bất kì sản phẩm nào trong thị trường bị đẩy lên giá trị ảo thì điều đó chắc chắn sẽ tạo ra thiệt hại cho người tham gia. Việc đẩy giá trị này luôn luôn có thể tiến hành hợp pháp, vì nó là tính chất cơ bản của mua và bán. Cứ mua lại giá cao nhiều lần sẽ tạo ra một hi vọng về giá cao hơn trong tương lai, nhất là khi lượng tiền tham gia thị trường quá lớn. Tuy nhiên, giá trị ảo nếu không đóng góp cho nền kinh tế, thì sớm hay muộn sẽ phải dừng lại, và khi đó người tham gia cuối cùng sẽ phải gánh toàn bộ thua lỗ cho những người đi trước. Điều này có thể thấy được qua ví dụ mô hình kinh doanh đa cấp (multi level marketing) khi người đi trước ăn phần trăm và làm giàu nhờ người tham gia sau, nhưng toàn bộ chuỗi đa cấp hầu như không tạo ra giá trị mới, mà chỉ lấy tiền của người này chuyển qua người khác. Khi giá trị kì vọng vượt quá giá trị thực tế đáng có, chắc chắn thị trường phải có thiệt hại, và khi đó thị trường sẽ mất đi tính chất win - win solution, vốn là tính chất cần thiết bậc nhất của nó. Đây là một điều tệ hại nếu nhìn từ góc độ quản lý thị trường.

Vậy cái gốc của TTCK vẫn là các công ty tạo ra giá trị trong nền kinh tế. Nếu các công ty này không có khả năng hấp thụ được lượng tiền lưu chuyển trong TTCK thì thị trường chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại. Và giải pháp về lâu dài cho nền kinh tế vẫn luôn là thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế để mở rộng quy mô từ sản xuất hàng giá rẻ lên các loại hàng hóa mang nhiều giá trị gia tăng hơn, hoặc tìm cách để chiếm lĩnh các thị trường nhiều giá trị hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét