Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Chữ viết mới cho người Việt Nam

Trong lúc chờ thư liên lạc từ Trung Quốc, viết chơi vài suy nghĩ. Chuyện đại sự thì không dám bàn nữa, nói ra không có tiền xài rồi ai cũng học được, nói mất công. Nói chuyện ít quan trọng hơn mà chẳng ảnh hưởng đến ai vậy, đó là cái chuyện chữ viết.

Như đã từng phân tích trong một bài viết trước đây, tôi có đề cập đến việc sử dụng chữ Trung Hoa để ghi âm, đó là một việc đại sự đáng làm trong lịch sử hàng ngàn năm. Bây giờ thử xem lại ý nghĩa thế nào?

Chữ viết, tức là một biểu tượng, một kí hiệu, như chữ latin, chữ arab, chữ Nhật, Hàn, Trung, các công thức toán học đều là các kí hiệu để ghi lại các khái niệm khác nhau, để truyền đạt suy nghĩ của con người. Chữ Trung Hoa là chữ biểu ý, tức là chỉ suy nghĩ của con người. Như chữ nhất thì viết một nét, nhị hai nét, rồi đến tam là ba nét, rất đơn giản. Như chữ thượng, nghĩa là phía trên, thì vẽ cái nền rồi đánh dấu phía trên, nghĩa là ý nói phía bên trên vậy.

Đa số chữ biểu ý xuất phát từ chữ tượng hình, tức là việc vẽ lại hình ảnh trong tự nhiên, giống như chữ tượng hình Ai Cập cổ đại, ta sẽ thấy vô số các biểu tượng như con chim, hình người với các tư thế... được vẽ ra để ghi lại ý nghĩa. Chữ Trung Quốc cũng vậy nhưng được trừu tượng đi nhiều hơn. Chẳng hạn mặt trời vẽ ra vòng tròn, rồi dần dần qua lịch sử các nét cứng lại thành hình chữ nhật. Hoặc chữ cây thì vẽ vài nét tượng trưng ra cái cây với gốc rễ, đó là để hàm ý cái cây, muốn nói đến rừng, thì ghép nhiều chữ cây lại, đó là hàm ý về rừng. Đây là lối hàm ý ám chỉ dùng để giao tiếp truyền đạt thông điệp giữa con người với nhau.

Kí hiệu tượng hình như vậy rất đơn giản, dễ hiểu nếu nắm được cách xuất phát của chữ, tuy nhiên có một nhược điểm là trong tự nhiên có quá nhiều sự vật hiện tượng, nếu cái gì cũng dùng hàm ý tượng hình thì số lượng kí hiệu là rất lớn. Hơn nữa các kí hiệu sẽ trở nên rất phức tạp vì đòi hỏi sự phân biệt giữa rất nhiều khái niệm khác nhau. Điều này dẫn đến việc nhớ và học chúng là rất khó khăn, dẫn đến hạn chế khả năng giao tiếp, sáng tạo và học hỏi, phát triển khoa học và thương mại.

Chính vì vậy Trung Quốc đã phải giản lược chữ viết, tạo ra chữ giản thể với ít nét và ít chữ hơn so với lịch sử. Thực ra mà nói, chữ tượng hình cũng có vị trí nhất định trong xã hội hiện đại, các biểu tượng smiley chính là một dạng chữ tượng hình, hoặc các kí hiệu smiley đơn giản như :D, :), -( được dùng để chỉ các trạng thái cảm xúc khác nhau, rất được ưa chuộng trong giao tiếp. Tuy nhiên chỉ một vài biểu tượng như vậy có thể truyền đạt được qua rào cản ngôn ngữ mà thôi, bởi vì thực tế đã chứng minh, với một ngàn năm Bắc thuộc và một ngàn năm sau đó tiếp nhận văn minh Trung Hoa, chữ Hán vẫn không thể ghi âm của người Việt Nam, mặc dù người Việt Nam ít nhiều đều bị đồng hóa về dòng máu bởi người Hán.

Đi tìm chữ viết cho người Việt


Chữ quốc ngữ hiện nay thực ra cũng tạm ổn, có điều là nó xuất phát từ các giáo sĩ Thiên Chúa giáo, với mục đích truyền đạo, cho nên thỉnh thoảng mà nghe họ lải nhải Việt Nam phải cảm ơn này nọ mệt người. Đúng ra thì phải cảm ơn những linh mục đó đã tạo ra chữ viết này, giúp giao tiếp đơn giản, tuy nhiên nếu đỡ phải nghe lảm nhảm bài học lịch sử đó thì có lẽ hay hơn.

Vậy có hướng đi nào khác cho chữ viết Việt Nam? Một hướng đi dễ dàng nhất là quay lại với văn minh Trung Hoa, sử dụng chữ Trung Quốc. Nhưng điều này nhất thiết đòi hỏi chữ Trung Quốc phải ghi âm được, bởi vì lịch sử đã chứng minh, chữ hàm ý không thể ghi được tiếng Việt trong hai ngàn năm, và đã bị chối bỏ nhanh chóng khi tiếp xúc với văn minh phương Tây.

Để sử dụng chữ Trung Quốc ghi âm không khó, vì về bản chất, ghi âm chỉ là sử dụng các kí hiệu mà thôi. Đài Loan từng dùng phương pháp này, tuy nhiên cách làm của Đài Loan hơi gượng ép và bắt chước Nhật Bản ghi chữ dàn trải ra làm mất bản sắc văn minh Trung Quốc. Bản thân chữ ghi âm do ghép nhiều âm lại, do đó các âm tiết nên được ghi càng đơn giản càng tốt, tránh dùng các chữ phức tạp ghi âm vì khi ghép lại sẽ càng phức tạp hơn. Ngoài ra, để giữ bản sắc chữ vuông, có lẽ nên học Hàn Quốc, khi các chữ được viết gọn lại trong một ô, tương tự như chữ Trung Quốc. Có lẽ đó là bản sắc của văn minh Đông Á?

Vậy nếu dùng các kí tự đơn giản của Trung Quốc để ghi âm, rồi cũng ghép lại mỗi âm trong một ô vuông giống chữ Hàn Quốc, thì có thể đơn giản hóa chữ Trung Quốc về thành bảng chữ cái và áp dụng cho người Việt cũng được. Việc này có lợi thế là sử dụng chung chữ viết với một nước lớn, có ảnh hưởng toàn cầu, lại giữ được nét văn hóa truyền thống hơn hai ngàn năm của dân tộc, chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa.

Thử so sánh chữ viết Trung Hoa và chữ latin


Về cơ bản có 4 hướng viết, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, nên chọn cách nào? Ngoài ra có thể nghiên cứu viết theo hướng chéo hoặc vòng tròn, zig zag, nhưng có lẽ chỉ phục vụ mục đích khác người mà thôi.

Viết từ trái sang phải, đây là cách viết của người thuận tay phải. Trong thời đại chưa có máy tính, nếu phải viết theo hàng ngang, thì có hai hướng, từ phải sang, hoặc từ trái sang. Đa số con người thuận tay phải, nên sẽ cầm bút tay phải. Khi viết bằng tay phải, nếu viết từ phải sang có mấy điều bất tiện
+ Thứ nhất, tay phải và bút che những chữ vừa viết xong, gây khó cho nhận thức đang viết đến đâu.
+ Thứ hai, tay phải có thể đè lên những chữ vừa viết xong gây nhòe chữ nếu mực chưa kịp khô.
Hai đặc điểm này khiến chữ viết từ trái sang phải là lựa chọn bắt buộc đối với người thuận tay phải. Và những người viết tay trái bắt buộc phải đi theo, không có tự do dân chủ đa nguyên gì hết.

Viết từ trên xuống dưới, chữ Trung Quốc cổ thường viết theo cách này. Đặc điểm của con người là tầm nhìn ngang có lẽ tốt hơn nhìn dọc, khi hai mắt được bố trí hai bên. Bởi vì con người là sinh vật sống trên mặt phẳng nên cần thị giác theo chiều ngang. Có lẽ điều này phần nào ảnh hưởng đến lối viết ngang, bởi vì khi đó mắt đọc sẽ đỡ mỏi hơn khi liên tục phải nhìn lên xuống theo từng câu, nhất là văn bản dài và nhiều chữ, phức tạp.

Như vậy có thể nói lối viết từ trái sang phải hiện nay khá tối ưu, không cần phải thay đổi gì. Tuy nhiên chữ Trung Quốc có một điểm yếu là khung chữ cố định cho mọi chữ, điều này gây khó khăn cho các chữ khi phải ghi nhỏ. Đối với chữ latin, mọi chữ đều giữ nguyên kích thước, nhưng trong chữ Hán, khi chữ đứng riêng một mình, nó được ghi trong một ô, nhưng khi nó trở thành bộ phận ghép vào trong chữ khác, nó phải bị ghi nhỏ lại, có thể khiến khó đọc hoặc nhận biết, nhất là với độ phân giải màn hình thấp. Tuy nhiên điều này lại là bản sắc của văn minh Đông Á, và người Trung Quốc vẫn dùng nó lâu nay không vấn đề gì, nên việc này cũng có thể chấp nhận được.

Sử dụng lại chữ latin không thông qua chữ quốc ngữ


Điều này hơi thừa thãi, đã sử dụng chữ latin thì khó có thể tránh được chữ quốc ngữ, hơn nữa đã mất công làm cách mạng văn hóa mà lại làm hời hợt như vậy thì thà đừng làm cho xong, cứ giữ nguyên hiện trạng là hơn. Điểm yếu của việc giữ nguyên hiện trạng là chữ Việt Nam không có tính quốc tế, mặc dù cùng hệ chữ latin nhưng chỉ dùng để ghi tiếng Việt mà thôi. Nếu sử dụng chung với tiếng Hán thì ít ra hai nước có cùng chữ viết, mang tính quốc tế rộng lớn, đàn anh đi trước, đàn em theo sau.

Kế thừa một loại chữ viết khác?


Ngoài chữ Trung Quốc và latin, có rất nhiều loại chữ, có lẽ nên chọn một loại chữ ghi âm rồi từ đó phát triển lên. Các loại chữ như chữ Phạn, chữ Cyrillic... có rất nhiều loại chữ và biến thể để ghi âm và lựa chọn. Trên nguyên tắc, các loại chữ ghi âm đều tương tự nhau, chỉ khác ở kí hiệu biểu tượng mà thôi, cho nên phát triển từ bất kì loại chữ nào cũng được cả. Nhất là trong thời đại ngày nay, khi máy tính phát triển thì việc chuyển đổi văn bản có thể thực hiện tự động rất nhanh chóng. Miễn sao người Việt tránh được cái tiếng nhảm phải mang ơn Thiên Chúa giáo là được. Người xưa đã dám làm, bỏ chữ Hán theo chữ latin thì ngày nay sao không dám bỏ chữ latin theo chữ khác?

Nếu phải chọn một loại chữ ngoài chữ Trung Quốc, có lẽ nên chọn một hệ chữ gần gũi, như chữ Phạn, hoặc các loại chữ được ghi lại trong kinh điển Phật giáo phương Nam. Điều này vừa tỏ lòng biết ơn đối với truyền thống văn hóa tôn giáo dân tộc, vừa tỏ lòng biết ơn đối với một nền văn minh vĩ đại của thế giới. Nhưng các hệ chữ đó khá phức tạp, muốn dùng phải chuẩn hóa lại và thêm vào các hiện tượng tương tự chữ latin, đó là chữ viêt hoa, chữ in và chữ thường. Nếu làm được điều này thì người Việt Nam cũng có quyền ngẩng đầu với văn minh thế giới.

Một loại kí hiệu hoàn toàn mới?


Đây là phương án không sử dụng bất kì bảng chữ cái nào từng biết. Xét cho cùng, chữ viết cũng chỉ là một loại kí hiệu, thì việc tạo ra một bộ kí hiệu mới cũng không quá khó khăn. Cứ viết dọc rồi lại viết ngang, miễn sao phân biệt là được. Nếu sử dụng kí hiệu hoàn toàn mới, thì điều đó có lợi thế là nó được tạo ra trong thời đại công nghệ thông tin, nên có thể được thiết kế tối ưu cho mục đích này.

Lấy ví dụ các loại chữ viết trước đây được tạo ra trong thời đại chưa có máy tính, nên không biết đến bàn phím và phương pháp ghi chữ bằng bàn phím. Đặc điểm của bàn phím khá giới hạn, ví dụ bàn phím tiếng Anh được sử dụng chỉ có 26 chữ cái, các chữ Việt phải sử dụng các cách viết không chuẩn như gõ hai lần hoặc ghép chữ. Nếu một bộ kí hiệu mới được tạo ra có thể thiết kế để phù hợp với mục đích sử dụng bàn phím máy tính, thậm chí có thể thiết kế với các đặc điểm vượt trội hơn như sử dụng ít chữ cái hơn hoặc được tối ưu khi dùng với máy tính (gõ tắt, tốc kí etc...)

Cũng có thể kết hợp kí hiệu mới dựa trên các bảng chữ cái sẵn có, như vậy vừa có giá trị tôn vinh văn hóa truyền thống, vừa tạo ra các đặc điểm phù hợp cho mục đích nào đó, ví dụ ghi bằng máy tính, lại đỡ phải làm mới hoàn toàn.

Ai có khả năng thay đổi?


Việc tạo ra một loại chữ viết mới là việc đơn giản, việc khó nhất là để xã hội chấp nhận nó. Ai có khả năng làm được việc này? Chẳng hạn nếu lãnh đạo hai nước Trung Việt quyết tâm đồng lòng, thì toàn dân phải theo, ai dám ý kiến. Cho nên vấn đề quyết định là, ai làm chủ người đó có khả năng thay đổi, những người làm khoa học chỉ cần nghiên cứu thiết lập loại chữ viết rồi đề xuất lên các cấp lãnh đạo cho ý kiến là được. Nếu lãnh đạo đồng ý thì việc thay đổi chữ viết tuy có tốn thời gian, tiền bạc và công sức, nhưng là việc nhất định nên làm. Cùng lắm là chết đói chứ có gì mà sợ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét