Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Khoa học chính trị của tương lai là chính trị tập trung

Lenin, một nhà cách mạng nổi tiếng từng đưa ra học thuyết dân chủ tập trung, có nghĩa là số đông bầu ra một nhóm lãnh đạo để tập trung quyền lực. Thuyết này mặc dù có ưu điểm, nhưng vẫn còn bị ảnh hưởng của nguồn gốc Tây Âu, tức là dựa trên thuyết dân chủ, là một học thuyết giả khoa học - không có căn cứ khoa học chính xác. Bởi vì người phương Tây nói chung có đặc điểm tư duy thiển cận, chỉ thấy cây mà không thấy rừng, nên thường đưa ra những học thuyết phiến diện.

Nền khoa học chính trị tương lai do đó không thể nào dựa trên các học thuyết xuất phát từ phương Tây được. Một bằng chứng dễ nhận thấy là trong hàng ngàn năm lịch sử, người Trung Hoa không cần dân chủ nhưng vẫn là một nền văn minh lớn nhất của nhân loại. Sự suy giảm của văn minh Trung Hoa trong thế kỉ 19, 20, chủ yếu là thua kém của sản xuất công nghiệp, chứ không hẳn ở các yếu tố tư tưởng.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, khi mà đa số các nước châu Á phải thần phục trước sức mạnh của súng ống và vũ khí phương Tây, một người gốc Hoa, thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa ra mô hình cho khoa học chính trị của tương lai, khiến nhiều người trên thế giới phải ngạc nhiên và thán phục, đưa một làng chài nhỏ bé trở thành một quốc gia hiện đại. Điều đó cho thấy văn minh phương Đông, và đặc biệt là người Trung Quốc, hoàn toàn có thể dẫn đầu về khoa học chính trị trên thế giới.

Đặc điểm của chính trị phương Tây là tư duy đảng phái, nó có xuất phát điểm từ lịch sử đa nguyên dân chủ của họ. Chính vì tư duy đảng phái này, nên các mô hình chính trị xuất phát từ phương Tây đều đặt nặng tư duy đảng phái, từ chủ nghĩa phát xít, dân chủ, cộng sản, đều lấy việc cạnh tranh giữa các đảng phái, và việc độc tôn đảng phái là mô hình chuẩn. Tuy nhiên các nhà chính trị xuất sắc của châu Á đã nhận ra tác hại, chẳng hạn chủ tịch Đặng Tiểu Bình từng nhận ra sự nguy hiểm của đảng trị cao hơn pháp trị, đã cho thấy sự vượt trội của tư tưởng châu Á trước văn minh phương Tây.

Trong văn minh Trung Hoa hoàn toàn không có tư duy đảng phái, mà lấy quốc gia lên trên hết. Khi đó có thể nói, chỉ có một đảng, tức là đảng quốc gia. Nhưng nếu đã chỉ có một đảng, sao lại phải đặt ra đảng phái? Nếu tất cả luật pháp và tư tưởng đã lấy nền tảng quốc gia làm mục tiêu tối cao, thì chính cơ cấu quốc gia hoàn toàn có thể thay thế đảng phái, điều này đã thể hiện rõ ràng trong hàng ngàn năm chính trị Trung Hoa, khi các quan lại đều lấy mục đích trung quân ái quốc, thì làm gì còn cần đến đảng phái nào nữa? Cho nên đảng phái chỉ là dấu vết còn sót lại của việc tranh giành quyền lực chính trị trong nền văn minh dân chủ phương Tây.

Đảng phái, tức là tập hợp của những người cùng chí hướng, và cùng mục đích chính trị, do đó họ dựa vào nhau để tranh giành quyền lực với các nhóm khác. Và khi họ đạt được quyền lực thì họ vẫn giữ đảng phái đó, ví dụ khi phát xít nắm quyền thì vẫn còn đảng Quốc Xã.

Việc đảng phải vẫn còn tồn tại khi nắm quyền lực chứng tỏ hai điều, thứ nhất, họ chưa trở thành quốc gia, họ chưa thể thống nhất với quốc gia, mục đích của quốc gia và đảng phái không thống nhất. Thứ hai, chính vì chưa thống nhất với quốc gia, nên đảng phái nắm quyền có thể bị thay thế như các quốc gia dân chủ phương Tây. Ngược lại, trong truyền thống văn minh Trung Quốc, thì Hoàng đế chính là quốc gia, quốc gia chính là Hoàng đế, việc cai trị của Hoàng đế, trên lý thuyết là công bằng và không thiên vị cho bất kì ai, với mục đích lợi ích quốc gia là trên hết. Như vậy, bất kì ai, chỉ cần đặt quốc gia lên trên hết, đều có thể phục vụ Hoàng đế, không cần biết đó là người Mãn, người Hồi, người Hán, thương gia hay binh lính...

Chính vì hiểu được bản chất của truyền thống văn minh Trung Hoa, thủ tướng Lý Quang Diệu đã vận dụng thành công trong môi trường sức ép của phương Tây, đưa ra mô hình cho khoa học chính trị tương lai, đó là nhà nước trên hết, vượt qua mọi đảng phái.

So sánh mô hình quyền lực Nhà nước và quyền lực Đảng phái, có thể dễ dàng nhận ra ưu điểm của mô hình quyền lực Nhà nước tập trung.

Thứ nhất, nhà nước chính danh hơn đảng phái, cho nên nhà nước có thể nắm quyền, còn đảng phái thì không. Bất cứ đảng phái nào lên nắm quyền cũng là nắm quyền lực nhà nước, chứ không phải nắm quyền lực đảng phái.

Thứ hai, nhà nước có các công cụ hữu hiệu, như luật pháp, các bộ máy công quyền, thanh tra... nên hiệu quả hơn nhiều so với đảng phái. Bởi vì đảng phái tổ chức lỏng lẻo, nên nó khó có khả năng kiểm soát các thành viên của mình. Rõ ràng nhất là đảng trị so với pháp trị. Đảng trị thì dễ xảy ra sai phạm, tham nhũng, trong khi với pháp trị, thì các cơ quan như tòa án, thanh tra sẽ hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn các cơ quan nội bộ đảng. Các cơ quan nhà nước được tổ chức khoa học hơn, và tuân theo những quy luật của những ngành đó, đảng phái cùng lắm cũng chỉ có thể bắt chước các cơ quan nhà nước mà thôi.

Thứ ba, mô hình nhà nước bền vững hơn, công bằng hơn, sáng suốt hơn đảng phái. Đảng phái chỉ là tổ chức của những người cùng tư tưởng, hoặc đôi khi chỉ là cùng lợi ích. Ví dụ, trong hàng ngàn năm lịch sử Trung Hoa, khi thì tư tưởng này lên, khi thì tư tưởng kia lên, nhưng nhà nước cầm quyền vẫn không thay đổi, lấy quyền lực Hoàng đế là tối cao. Bởi vì quyền lực nhà nước khoan dung hơn, rộng rãi hơn, nó có thể chứa chấp mọi cá nhân trong đất nước đó. Ví dụ trong nhiều triều đại, có những tướng lĩnh hoặc thương nhân tài năng là người Hồi giáo, Thiên chúa giáo, người dân tộc... nhưng họ vẫn được trọng dụng cho mục tiêu chung của quốc gia. Và quốc gia cũng chỉ quan tâm đến tài năng trong lĩnh vực của họ thôi, còn con người cá nhân của họ không đáng bận tâm lắm. Ngược lại, với tư tưởng đảng trị thì những cá nhân đó sẽ bị loại ra khỏi hệ thống quyền lực từ rất sớm.

Thứ tư, về độ trung thành, nhiều người theo các tôn giáo vẫn hoàn toàn trung thành với Hoàng đế, trong khi cùng là đảng phái, nhưng các đảng viên vẫn bất hòa và có thể tách ra lập đảng phái mới. Vậy cùng một đảng phái chẳng thể hiện điều gì về sự trung thành cả. Ngược lại, khó có ai không trung thành với tổ quốc, đó là lịch sử đáng quý của dân tộc Trung Hoa, mặc dù bao gồm nhiều sắc dân từ sự sáp nhập các tiểu quốc khác nhau.

Khi quyền lực tập trung trong tay một người, thì đó là chế độ độc tài. Điểm yếu của độc tài là cá nhân đó khó có thể nắm bắt và giám sát tất cả các hoạt động quốc gia, dẫn đến quan liêu, tham nhũng, và rất dễ sụp đổ một cách nhanh chóng. Trái với độc tài, quyền lực nhà nước tuy tập trung, ví dụ đứng đầu là Hoàng đế, tuy nhiên bên dưới Hoàng đế là các bộ máy quan lại, các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu và tham mưu, nên các quyết định sáng suốt và khoa học hơn một cá nhân duy nhất. Quyền lực nhà nước tập trung cũng tránh được điểm yếu chết người của nền văn minh phương Tây, đó là dân chủ, và truyền thông.

Khi quyền lực thuộc về người dân, thì truyền thông tự do là điều hiển nhiên. Khi truyền thông tự do thì các tập đoàn truyền thông sẽ có vô số cách để thao túng thông tin. Ví dụ, không cần phải nói dối một cách trắng trợn, đơn giản các cơ quan truyền thông chỉ cần thay đổi thời lượng hoặc lịch phát sóng, cũng có thể tác động đến tư tưởng của đám đông. Khi các cơ quan truyền thông chỉ chọn đưa những tin xấu, thì người dân có cảm giác xã hội xấu, truyền thông không hề nói dối, họ chỉ thay đổi mật độ đưa tin mà thôi. Rất khó để kỉ luật họ vì họ không làm gì sai trái cả. Đó là điểm yếu cố hữu của xã hội tự do dân chủ, khi các tập đoàn truyền thông được mệnh danh là quyền lực thứ 4.

Nói một cách khoa học, thì người dân không thể ra quyết định đúng đắn cho các vấn đề phức tạp, đây là một sự thật hiển nhiên. Để ra các quyết định, cần phải được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực đó, ví dụ như tài chính, ngân hàng, quân sự, khoa học, công nghệ... thì người dân thường nói chung làm sao có thể hiểu mà biểu quyết cho được. Tuy nhiên thì người phương Tây vẫn tôn thờ tư tưởng dân chủ như một tín điều thần thánh, chứ thực ra nó chẳng dựa trên một căn cứ khoa học nào cả.

Ngược lại, tại sao các chế độ chuyên chính phong kiến sụp đổ? Vì nó thường dựa trên sự duy trì quyền lực bằng huyết thống, đây cũng là một điểm yếu cố hữu, con cái có thể khác hoàn toàn cha mẹ về tính tình, năng lực, đạo đức, sở thích, nên việc duy trì quyền lực dựa trên huyết thống không sớm thì muộn, sẽ dẫn đến các thế hệ lãnh đạo không ra gì. Chính vì cơ sở này mà tư do dân chủ vượt lên các xã hội quân chủ phong kiến, tuy nhiên điều đó không làm cho thuyết tự do dân chủ trở thành một thuyết khoa học chính trị chuẩn mực. Những ưu điểm của chế độ nhà nước tập trung khi xưa hoàn toàn có thể áp dụng cho các xã hội hiện đại.

Một điểm yếu nữa của chế độ dân chủ là tư duy nhiệm kì. Ngay cả một cá nhân xuất chúng, ngay cả khi họ vẫn còn khả năng cống hiến cho xã hội, thì họ bị buộc phải dừng lại, dựa vào đâu vậy? Vì người ta cho rằng quyền lực sẽ dẫn đến tha hóa, thì đó chỉ là một điều giả khoa học - không có căn cứ vững chắc. Tư duy nhiệm kì là một thiệt thòi rất lớn cho đất nước, khi những lãnh đạo vẫn còn đủ khả năng để phục vụ tổ quốc và nhân dân. Cho nên không thể nói là nền chính trị phương Tây là tận cùng của lịch sử được.

Những điểm trên đều được khắc phục bởi Lý Quang Diệu, một thiên tài người Trung Hoa. Một mảnh đất Singapore nhỏ bé như vậy lại có thể sinh ra một vĩ nhân như vậy, thì Đại lục chắc chắn nhân tài vô số, nhất định sẽ phải quay trở lại là ánh sáng dẫn đường cho thế giới mù lòa, như mặt trời Hồng ở phương Đông báo hiệu ngày mới tươi sáng cho nhân loại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét