Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Chủ nghĩa cộng sản và khoa học chính trị

Chủ nghĩa cộng sản ra đời dựa trên nền sản xuất công nghiệp cơ khí tập trung, nên nó cho rằng lao động trong tương lai là lao động tập trung dây chuyền của công nhân, điều đó sẽ tạo ra đủ sản phẩm cho xã hội. Đây là mấu chốt của CNCS, chấm hết.

Chính vì các nhà tư tưởng đầu tiên của CNCS không phải thương gia hay khoa học gia, kĩ sư... nên họ không hiểu được tầm quan trọng của kiến thức, hiểu biết trong quá trình sản xuất, mà đặc trưng là việc cải tiến công nghệ đã tạo ra các xã hội hoàn toàn khác biệt. Họ cho rằng sản xuất công nghiệp là sự kết thúc của lịch sử, cũng như có ông tác giả người Nhật cho rằng mô hình dân chủ pháp quyền là sự kết thúc của lịch sử, đó là những tổng kết xã hội vội vàng và hời hợt, khi chưa hiểu rõ bản chất của vấn đề.

Bởi vì bản chất của khoa học chính trị hiện nay vẫn chưa đi được đến cốt lõi của vấn đề bản chất xã hội loài người, cũng như sự vận hành của nó, nên con người hiện đại vẫn chưa thể hình dung được một xã hội hoàn hảo là như thế nào. Khoa học chính trị và xã hội hiện đại vẫn mang tính giải quyết các vấn đề phát sinh mà thôi, trong khi vẫn thừa nhận các học thuyết lịch sử như các tiên đề khoa học. Cho nên khoa học chính trị hiện tại thực chất là giả khoa học, không đặt trên nền tảng các sự kiện khách quan, và bị các chính trị gia thao túng. Đây là nói chung cho cả nền khoa học chính trị Tây phương.

Để khoa học chính trị đi được đến tận cùng của bản chất xã hội loài người, thì nó phải được đặt trên một nền tảng hiểu biết sâu sắc về tự nhiên và con người, là một điều mà chính các nhà khoa học chính trị hiện tại cũng không nắm được.

Thứ nhất là sự hiểu biết về tự nhiên, về thế giới, bởi vì con người luôn phải sống trong tự nhiên, và sẽ bị tự nhiên tác động, nên phải hiểu biết về môi trường sống. Trong đó bao gồm các quy luật vật lý, các kĩ thuật ví dụ như xây dựng, giao thông, sản xuất, liên lạc, xử lý tin tức... bởi vì chính các kĩ thuật khoa học và công nghệ có tác động trực tiếp đến đời sống và tổ chức xã hội loài người. Một người sống ở đầu thế kỉ 20 sẽ không thể hình dung ra internet có sức mạnh như thế nào, và dù người đó có tài năng đến đâu cũng không thể mô tả chính xác về khoa học chính trị tương lai được, bởi vì người đó không biết internet sẽ tác động như thế nào đến sự vận hành và tổ chức của xã hội. Nếu lật lại lịch sử xa hơn nữa thì Marx càng mù tịt về xã hội loài người, nên các dự đoán của ông ta hoàn toàn là hoang tưởng.

Sự hiểu biết về tự nhiên cũng bao gồm các hiểu biết về bản chất của con người, trong đó có bản chất của ý thức, các hiện tượng tôn giáo... đều là các bí ẩn cho đến hiện tại con người vẫn chưa nắm rõ. Như vậy thì làm sao có thể có khoa học chính trị tốt được?

Thứ hai là sự hiểu biết về bản thân con người, nó cũng là một phần của hiểu biết về thế giới tự nhiên, tuy nhiên vì vị trí đặc biệt quan trọng của nó nên hiểu biết về con người chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Hiểu biết về con người là hiểu biết về sinh lý học và tâm lý học, bản chất của hiện tượng con người, ý thức con người, là các hiểu biết mà giới trí thức của thế giới vẫn không nắm rõ và giải quyết được. Họ chỉ xoay quanh và né tránh vấn đề, tìm kiếm danh vọng trong những công trình nghiên cứu vụn vặt. Khi không hiểu được bản chất của con người thì làm sao có mô hình chính trị tốt cho được?

Tâm lý học cũng chỉ xoay quanh giải quyết các vấn đề phát sinh, mà không hiểu bản chất tâm lý con người, ý thức con người hoạt động như thế nào. Cho nên các ứng dụng của nó thường chỉ là nhỏ hẹp như là để gây ảnh hưởng quảng cáo, kiếm tiền, chữa bệnh, gây ảnh hưởng chính trị, chứ không phải là thực sự nhằm mục đích xây dựng một xã hội tốt hơn về căn bản tức là để phục vụ khoa học chính trị.

Như vậy khoa học chính trị hiện nay chủ yếu là thủ đoạn, tìm cách thao túng và gây ảnh hưởng. Nó là một dạng quyền thuật chứ không hẳn là khoa học chính trị với nghĩa làm thế nào để xây dựng, tổ chức và vận hành xã hội loài người dựa trên các hiểu biết về thế giới tự nhiên. Bởi vì khoa học chính trị hiện tại bị trói buộc bởi các tín điều như tự do, dân chủ, nhân quyền, nên nó không thể thoát ra khỏi những tín điều đó mà trở thành một khoa học thực sự. Thực ra các tín điều đó cũng tốt, tuy nhiên cho đến khi nó được nghiên cứu dựa trên các dữ kiện khoa học, thì nó vẫn chỉ là các tín điều tôn giáo mà thôi. Và chỉ sau khi mà các tín điều đó được soi sáng bằng ánh sáng khoa học thì loài người mới có khoa học chính trị đích thực.

Vậy khoa học chính trị đích thực nghĩa là nó nghiên cứu cách thức tổ chức, xây dựng và vận hành xã hội loài người dựa trên các hiểu biết khách quan, logic, chứ không phải bằng các định kiến mơ hồ. Như vậy nó cần phải hiểu rõ tự nhiên và con người, mục đích, cách thức vận hành của con người một cách khoa học là những điều vẫn chưa có được trong giới tinh hoa trí thức trên thế giới hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét