Có thể thấy rằng trong lịch sử nền văn minh loài người, thì sẽ luôn là nền văn minh vật chất chiếm ưu thế, đó là một xu hướng tự nhiên. Ví dụ khi công cụ bằng đồng xuất hiện thì các xã hội công cụ đồng sẽ vượt lên so với thời kì đồ đá, tương tự công cụ và vũ khí bằng sắt sẽ chiếm ưu thế trước công cụ và vũ khí bằng đồng, đó là lịch sử, dù nền văn minh nào, ở trái đất hay bất kì đâu trong vũ trụ cũng phải trải qua các giai đoạn như vậy. Như vậy các học thuyết duy vật sẽ được xuất hiện, nhất là khi xuất hiện máy móc, nền văn minh cơ khí và khoa học công nghệ phát triển.
Các học thuyết duy vật quan sát thế giới, với sức mạnh của công cụ và tri thức, với sự vượt trội của mình, sẽ nhận ra nguồn gốc sức mạnh chính là dựa vào sự khám phá và cải tạo vật chất. Ngược lại với vật chất, ý thức là một hiện tượng phổ quát, ai ai cũng trải nghiệm được, tuy nhiên lại không dễ gì cân, đo, đong đếm, thí nghiệm hay định lượng ý thức, và do vậy, chắc chắn trong các nền văn minh vật chất, ý thức với tư cách là một hiện thực sẽ bị quên lãng như một yếu tố không đáng kể. Đây có lẽ cũng là một định mệnh lịch sử và các nền văn minh sẽ phải trải qua. Nền văn minh vật chất có thể khám phá và giải thích mọi hiện tượng, ngoại trừ ý thức từ đâu sinh ra, và gạt nó sang một bên, bởi vì nó không quan trọng.
Chắc chắn một điều, khi quan sát và thí nghiệm về thế giới, các nhà khoa học sẽ có xu hướng kết luận rằng thế giới xung quanh ta là không có ý thức, và ý thức chỉ tồn tại trong bộ não con người, hoặc xa hơn là ở các loài vật. Đây là một định mệnh lịch sử, khó có một hiện thực nào khác hơn, chỉ cần nhìn vào những gì đã và đang diễn ra cũng sẽ rõ, hàng ngàn hàng triệu bao nhiêu thế hệ nhà khoa học, họ có thể khám phá mọi ngóc ngách của thể giới, nhưng không có cách nào xác định được ý thức. Như vậy chắc chắn một điều, khoa học gia sẽ giả định ý thức là phát sinh từ vật chất, khi vật chất sắp xếp theo một trật tự phức tạp nào đó, như bộ não chẳng hạn. Đây là định mệnh của nền văn minh vật chất.
Mặc dù song song với sự phát triển của nền văn minh vật chất, chắc chắn sẽ xuất hiện các trường phái tôn giáo duy tâm, cho rằng thiên chúa tạo ra thế giới, tuy nhiên các trường phái này không có cơ sở logic và khoa học, không thể lập luận chặt chẽ về bản chất của thế giới, nên sẽ không có tác dụng tích cực đối với sự hiểu biết chân chính, ngoại trừ những học thuyết mê tín, ảo tưởng, không có cơ sở.
Như vậy học thuyết duy vật có đặc điểm cho rằng: thứ nhất, vật chất có thể tồn tại độc lập với ý thức, thứ hai, chỉ khi vật chất đủ phức tạp thì mới phát sinh ý thức, thứ ba, ý thức không phải là vật chất. Nhận định thứ ba xuất phát từ một thực tế là dù với máy móc hiện đại, khoa học công nghệ phát triển cỡ nào thì những công cụ đó cũng không có cách gì tương tác để thí nghiệm hay đo đạc ý thức. Vì vậy tất cả các ngành khoa học về ý thức như tâm lý học, đều phải sử dụng con người như một thực thể để quan sát ý thức chứ không có máy móc nào làm thay được. Đối với tư tưởng loài người mà nói, khó có thể vượt qua được ba nhận định trên. Tuy nhiên học thuyết duy vật lại không thể giải thích được, và sẽ không bao giờ có thể giải thích được, làm thế nào vật chất phát sinh ý thức, hay tại sao vật chất phát sinh ý thức?
Thực ra khi nhìn kĩ vào lối lập luận duy vật, thì sẽ phát sinh các điểm vô lý. Thứ nhất, có lẽ ai ai cũng phải thừa nhận rằng ý thức có tác động đến vật chất, đây là một thực tế mà xã hội loài người chính là bằng chứng. Khác với cây cỏ gỗ đá, con người có thể ra quyết định, họ có thể chọn nơi họ sẽ đi, việc họ sẽ làm, đó là ý thức của họ. Sau đó, ý thức sẽ quyết định hành động, ví dụ đi, đứng, nằm, ngồi, sử dụng công cụ chính là vật chất (cơ thể, công cụ) hoạt động theo ý thức đề ra. Như vậy chắc chắn vật chất và ý thức có tương tác với nhau, đó là một sự thật hiển nhiên.
Từ sự thật này, có thể kết luận rằng, bản chất của ý thức là vật chất, bởi vì chỉ có vật chất mới có thể tương tác với vật chất. Lịch sử của khoa học là sự mở rộng định nghĩa của vật chất. Những thứ vô hình như gió, sóng điện từ, lực hấp dẫn, đối với người cổ đại chúng có thể là phi vật chất, nhưng khi khoa học càng phát triển thì con người sẽ nhìn ra, một con gió vô hình có thể cuốn lá bay, chính là các phân tử oxy và nitrogen, và không khí chính là vật chất, sóng điện từ là vật chất, lực hấp dẫn là vật chất. Bất cứ thứ gì có thể tương tác với vật chất là vật chất, dù chúng yếu như một cơn gió thoáng qua hay mạnh như một vụ nổ hạt nhân. Như vậy, dù có là cái gì đi nữa, nếu ý thức tương tác được với cơ thể, vậy nó phải có bản chất là vật chất.
Điều khó nhất, nếu ý thức cũng chỉ là vật chất, vậy giải thích thế nào khi nói ý thức là phi vật chất? Tính phi vật chất của ý thức cũng là một sự thật không thể chối cãi. Ý thức mà con người cảm nhận, không thể quy về vật chất. Màu sắc là một hiện tượng không thể quy về vật chất, với tất cả các khám phá khoa học, không ai biết màu sắc là loại vật chất gì. Âm thanh cũng vậy, các cảm giác, suy nghĩ, nóng lạnh, vui buồn... tất cả các hiện tượng đó không có trong thế giới vật chất. Con người không có cách nào đo đạc khám xét được chúng, mà chúng chỉ tồn tại trong cảm giác chủ quan của mỗi cá nhân mà thôi.
Ở đây cần phải lưu ý một điểm, chính vì không thể quy vật chất về ý thức, nên thường có một sự nhầm lẫn khi quy các hiện tượng ý thức về vật chất mặc dù chúng chẳng hề liên quan. Ví dụ con người cho rằng màu đỏ tức là ánh sáng 700nm, hay nóng lạnh là nhiệt độ. Thực ra ánh sáng 700nm chẳng hề liên quan gì đến màu đỏ, bởi vì từ ánh sáng 700nm đến màu đỏ là một chuỗi hiện tượng, khi ánh sáng kích thích tế nào mắt, và tế bào võng mạc sẽ gửi xung điện lên não, chính não tạo ra màu đỏ chứ không phải ánh sáng 700nm. Nếu cho rằng màu đỏ là ánh sáng 700nm thì xung điện võng mạc cũng là màu đỏ, chẳng qua vì con người quá quen thuộc với cách nhìn nhận trước mà thôi. Thậm chỉ chẳng cần đến mắt và ánh sáng, nếu con người nối thần kinh thị giác với với các xung điện từ các nguồn kích thích khác, thì chúng cũng tạo ra màu đỏ trong nhận thức chủ quan.
Quay lại chủ đề chính, thì rõ ràng ý thức không thể quy về vật chất, cũng là một sự thật hiển nhiên, nghĩa là ý thức không phải là vật chất. Đây chính là điểm khó nhất, và là điểm bế tắc trong hệ thống lí luận duy vật. Ý thức vừa là vật chất, vừa không phải là vật chất, vậy phải giải thích như thế nào?
Đơn giản nhất là chấp nhận nó như vậy, ý thức vừa là vật chất, vừa không phải vật chất. Cũng như chấp nhận rằng vận tốc ánh sáng trong chân không là giá trị tuyệt đối, cũng như chấp nhận rằng vật chất vừa có tính sóng, vừa có tính hạt. Hãy chấp nhận rằng ý thức vừa là vật chất, vừa không phải vật chất. Đó là những sự thật khách quan về thế giới không ai thay đổi được, chỉ có cách chấp nhận chúng như vậy mà thôi. Mới thoạt nhìn thì chúng có vẻ vô lý và không cần thiết, nhưng nếu nhìn kĩ, thì có lẽ chúng lại hợp lý một cách kì lạ.
Giả sử như vật chất không có tính hạt (riêng rẽ), có lẽ thế giới là một thế giới liên tục, mà điều đó thì nó mâu thuẫn. Bởi vì một thế giới liên tục được mô tả bằng trường số thực có thể chia nhỏ đến vô hạn, nghĩa là bản thể của nó bằng 0, đó là một điều phi lý, một thế giới được xây dựng trên nền tảng là những con số 0 là một một con số 0, đó là điều phi lý, cho nên thế giới cần phải có một giới hạn vi mô nào đó (nguyên tử - theo nghĩa không thể chia nhỏ hơn). Cho nên thế giới phải là những lượng tử, những đại lượng không thể chia nhỏ hơn nữa về không gian, thời gian, khối lượng... còn hệ thống số thực chỉ là một ảo tưởng của con người về một thế giới hoàn hảo, và khi con người sử dụng định kiến đó để nhìn nhận thế giới, họ sẽ phải sai lầm. Cho nên không phải thế giới kì lạ, mà chính con người nhìn nhận tưởng tượng sai lạc về thế giới, rồi cho thực tế là kì lạ.
Không có ví dụ nào khác, bởi vì ý thức là thứ duy nhất con người biết đến là phi vật chất (không phải vật chất). Để hiểu về quan hệ giữa ý thức và vật chất, có thể hình dung về một tờ giấy có hai mặt, một mặt vẽ lên các màu sắc, tượng trưng cho ý thức, mặt còn lại tượng trưng cho vật chất, có thể ghi lên đó các công thức hay các mối quan hệ mà vật lý học đã tìm ra. Hai mặt giấy không bao giờ gặp nhau, giống như vật chất không bao giờ gặp ý thức, chúng thuộc hai thế giới riêng biệt, cho nên ý thức là phi vật chất. Tuy nhiên chúng luôn liên hệ và tương tác với nhau, ví dụ nếu ấn xuống một mặt giấy ý thức, thì khi lật ngửa lên, sẽ thấy vết hằn, lồi lõm ở mặt còn lại. Điều đó tượng trưng cho mối liên hệ vật chất - ý thức, bởi vì bản chất của chúng chỉ là hai mặt của một thực thể duy nhất.
Vũ trụ có hai mặt, một mặt là vật chất, mặt kia là ý thức, đó là hai mặt của vũ trụ trong không - thời gian. Vật chất và ý thức do vậy luôn cùng tồn tại, bởi nếu không, nó sẽ là tờ giấy có một mặt. Tờ giấy chỉ có một mặt là điều kì lạ nhất được Thiên Chúa tạo ra sau khi con người hoài nghi về khả năng vô biên của đấng sáng tạo. Như vậy, bất cứ nơi nào có vật chất, nơi đó có ý thức, và ngược lại, bất cứ nơi nào có ý thức, nơi đó có vật chất. Tính hai mặt này có thể được hiểu như sau, khi con người cảm nhận ý thức, ví dụ màu đỏ, thì đó là một hiện tượng có hai mặt. Màu đỏ là biểu hiện ý thức của hiện tượng đó, ngược lại, xung điện xuất hiện trong não chính là biểu hiện vật chất, cả xung điện và màu đỏ chỉ là hai biểu hiện của một hiện tượng duy nhất. Như vậy không phải bằng cách nào đó vật chất tạo ra ý thức, là một điều sẽ không bao giờ có lời giải. Chính vật chất kia là biểu hiện của ý thức.
Thực ra việc ý thức tồn tại song hành cùng vật chất là một điều logic. Con người vốn quan niệm rằng, bằng cách nào đó, bộ não thật đặc biệt đã tạo ra ý thức. Ở đây có một ví dụ tương tự như miếng nam châm bằng sắt từ. Bằng cách nào đó nam châm tạo ra từ trường, và từ trường chỉ tồn tại nhờ nam châm mà thôi. Như vậy cấu trúc vật chất khi đủ phức tạp, ví dụ nam châm, thì sẽ tạo ra từ trường. Tuy nhiên khi con người hiểu ra thì từ trường vốn tồn tại khắp không gian, nam châm chỉ là một trường hợp đặc biệt mà thôi. Bởi vì nam châm chỉ là một cấu trúc vật chất, thì không thể nào lại tạo ra được một thứ phi vật chất.
Cũng như vậy, nếu bộ não là một cấu trúc vật chất, một sự sắp xếp lại các nguyên tử oxy, hydrogen, nitrogen, carbon... thì làm sao một cấu trúc như vậy lại có thể tạo ra một thứ mới, tức là phi vật chất (ý thức)? Nếu bộ não có thể tạo ra thứ mới, nghĩ là thứ đó phải tồn tại sẵn có ở các vật chất khác, bộ não chỉ có tác dụng giống như nam châm, tức là phát hiện, xử lý ý thức mà thôi. Một sự thay đổi về số lượng, về cấu trúc không gian làm sao có thể tạo ra sự thay đổi về bản chất? Cũng như con người hi vọng rằng nếu sắp xếp chì theo một cách nào đó, chì sẽ biến thành vàng? Chì là chì, vàng là vàng, hai thứ khác nhau về bản chất, và một sự sắp xếp trong không gian không thể thay đổi được điều đó. Cũng vậy, một sự sắp xếp trong không gian của các nguyên tử oxy, hydrogen, carbon... cũng không thể, và không bao giờ thay đổi được bản chất của bộ não là một cấu trúc vật chất. Nếu bộ não tạo ra ý thức, thì đó là vì ý thức vốn tồn tại sẵn trong không - thời gian, cũng như nam châm tạo ra từ trường, nhưng từ trường vốn luôn tồn tại trong không gian vậy.
Nếu nhìn kĩ lại thì chủ nghĩa duy vật cũng chỉ là một tất yếu lịch sử, với trình độ nhận thức cơ khí thô sơ. Tuy nhiên có trường hợp đặc biệt đó là người Trung Quốc từ thời cổ đại đã nhìn ra được thuyết âm dương, trái ngược hẳn với đa số phần còn lại của thế giới chìm đắm trong các học thuyết quá khích duy vật hoặc duy tâm. Người Trung Quốc từ cổ đại đã cho rằng thái cực sinh lưỡng nghi, tức là thế giới hiện tượng hai mặt vốn chỉ là hai biểu hiện của một thực thể duy nhất là thái cực. Không thần thánh hóa ra thượng đế, thái cực chính là bản thể của lưỡng nghĩ âm dương. Thế giới vật chất là dương, thế giới tinh thần mà người cổ đại tưởng tượng ra dựa là âm, nhưng hai thế giới đó đều chỉ là hình ảnh của thái cực. Người Trung Quốc thật khôn ngoan, nên không khó hiểu vì sao trong phần lớn lịch sử đó là nền văn minh vĩ đại nhất thế giới, trong khi phần còn lại chìm đắm trong ngu dốt, mê tín và lạc hậu. Với một truyền thống minh triết lâu đời như vậy, thật dễ dàng hình dung ra trong một tương lai gần, nền văn minh Trung Hoa sẽ lấy lại vị thế độc tôn của mình. Người ta hay thần thánh hóa người Mĩ, người Nhật, người Do Thái, người Đức... nhưng người ta không biết rằng, chính người Trung Hoa mới là những người thông minh nhất trong lịch sử thế giới.
Xin được khép lại vấn đề ở đây. Con người có thể hi vọng gì ở một lý thuyết mới? Thuyết tương đối tạo ra e=mc2, với việc sử dụng năng lượng hạt nhân và tính toán không gian vũ trụ. Thuyết lượng tử đóng góp không nhỏ cho công nghệ thông tin và truyền thông. Hi vọng với việc hiểu rõ hơn về bản chất của vật chất và ý thức, có thể đặt cơ sở cho các khám phá về khoa học và công nghệ trong tương lai, ví dụ nhu giải thích các hiện tượng khác thường trong tôn giáo, hoặc khai thác chúng dưới góc độ khoa học. Việc hiểu rõ hơn về bản chất thế giới cũng giúp con người tránh các sai lầm cố hữu khi thần thánh hóa các hiện tượng đặc biệt. Nếu cho rằng các UFO là có thật, thì tuy rằng người ngoài hành tinh chưa đến trái đất, nhưng các thiết bị thăm dò của họ đã đạt đến những trình độ công nghệ nằm ngoài sức tưởng tượng của con người hiện nay. Dù có sử dụng năng lượng hạt nhân, hoặc khoa học viễn tưởng thì người trái đất cũng không thể hình dung bằng cách nào để gửi các thiết bị thăm dò đi xa như vậy. Trình độ công nghệ của loài người còn quá thấp. Bằng việc giải thích bản chất các tôn giáo, với những khả năng phi thường được ghi chép có thể chứa đựng những chìa khóa bí ẩn của vũ trụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét